Tôi xin trình bày về biển số xe cùng những thông tin có liên quan trong bài viết này.
Thông tin về biển số xe (ô tô, xe máy…) được quy định cụ thể trong Điều 31 – Thông tư 15/2014/TT-BCA. Đây là nguồn tin chính thống đáng tin cậy nhất (vì là luật mà) mà bạn có thể tìm hiểu.
Tuy vậy, sẽ có những nội dung cần thiết trong thực tế mà không được đề cập đến trong văn bản này. Hoặc cũng ít người muốn đọc văn bản pháp luật (thường là khô khan).
Vì thế tôi sẽ giúp bạn tóm tắt những nội dung quan trọng và có liên quan đến chủ đề Biển số xe trong phần tiếp theo.
Nội Dung Bài Viết
Kích thước biển số xe
Với xe máy(mô tô), biển số có chiều cao 14 cm, chiều dài 19 cm
Xe ô tô có 2 biển số:
- Loại dài có chiều cao 11 cm, chiều dài 47 cm.
- Loại ngắn có chiều cao 20 cm, chiều dài 28 cm.
Gắn biển ở đâu?
Với xe máy hoặc mô tô thì đơn giản, có 1 biển gắn ở phần đuôi xe.
Với xe ô tô, do có 2 biển kích thước khác nhau, nên nhiều người thắc mắc:
Có bắt buộc phải lắp biển nào trước, biển nào sau không?
Câu trả lời là Không. Luật nói rằng: lắp trước sau thế nào là do chủ xe quyết định, sao cho “phù hợp với vị trí nơi thiết kế lắp biển số của xe”.
Nghĩa là, lắp tùy ý bạn.
Tuy nhiên, bạn có thể gặp rắc rối một chút vì một số loại xe ô tô không phù hợp lắp loại biển số ngắn (do thiết kế của xe). Nếu ta cố gắng gắn biển vào thì trông khá xấu, càng không hợp lý với xe đẹp và đắt tiền.
Nhưng quy định mới cũng mở hơn, tạo thuận tiện cho người dùng. Cụ thể:
Trường hợp thiết kế của xe không lắp được 1 biển ngắn và 1 biển dài thì được đổi sang 2 biển số dài hoặc 2 biển số ngắn, kinh phí phát sinh do chủ xe chịu trách nhiệm.
Vậy là ngon rồi, nếu xe bạn không lắp được một loại nào đó (ngắn hoặc dài), thì vui vẻ nộp phí để đổi lại biển.
Trước đây, quy định cũ không nêu rõ ý này, nên nhiều bác tài cũng bị Cảnh sát giao thông hoạnh họe về lỗi: đeo biển trước, biển sau; hoặc cùng đeo 2 biển dài… Khi luật không bắt lỗi này mà hay bị hỏi thăm thì cũng khá bực bội khi đi đường.
Giờ thì đã rõ, cứ thoải mái về vấn đề này nhé!
Ngoài ra, bạn cũng lưu ý: với xe trên 9 chỗ (nghĩa là 10 chỗ trở lên), thì bắt buộc phải kẻ biển số xe ở thành sau và hai bên thành xe. Nghĩa là công an không cấp biển, mà chủ xe tự kẻ sơn, hoặc dán đề can thêm vào thành sau và hai bên hông xe là được.
Xe khách trên 9 chỗ phải dán biển kiểm soát bên hông xe
Nhân tiện, tôi cũng nói về cách lắp biển một chút. Cơ bản có những bước sau:
- Gắn tấm đỡ (bằng inox hoặc mica) vừa cỡ với biển vào xe.
- Áp biển số vào tấm đỡ, bắt 4 đinh rút vào 4 góc là xong.
Các bác có thể tự làm, không thì thuê dịch vụ cho nhanh. Lần trước xe tôi đổi biển từ 4 lên 5 số, thuê họ gắn biển ở Hải Phòng làm mất 150k. Anh chàng kia làm chừng 15 phút là xong cả tháo cái cũ và lắp cái mới.
Màu sắc biển số xe
Có những màu sau: nền xanh, đỏ, trắng, biển số vàng. Chữ và số thì thường là đen, đỏ, trắng. Kết hợp cụ thể có những loại sau:
1. Biển màu trắng
Biển màu trắng, chữ đen được cấp cho cá nhân và doanh nghiệp của Việt Nam. 2 chữ số đầu thể hiện biển số xe của các tỉnh thành, 5 chữ số cuối (trước là 4 số) là số thứ tự cấp cho mỗi xe.
Ngoài ra còn có biển nền màu trắng, có số 80 đứng đầu, sau đó là 2 chữ “NG” hoặc “NN” màu đỏ, và 5 số. Đó là biển số cấp cho đối tượng có yếu tố nước ngoài. Tôi sẽ nói rõ về loại biển này trong phần sau.
2. Biển màu xanh chữ trắng
Là biển xe của các cơ quan hành chính sự nghiệp:
– Trực thuộc chính phủ thì là biển xanh 80
– Các tỉnh thành thì theo số của các tỉnh thành tương ứng (Danh sách biển số xe các tỉnh)
3. Biển màu đỏ chữ trắng:
Là biển cấp cho xe quân đội. Biển số xe quân đội gồm 2 chữ cái đứng đầu và sau đó là một dãy chữ số. Chẳng hạn: TC-33-86 hay KT-55-72.
Để biết ý nghĩa của những biển này, bạn xem bài viết Biển số xe quân đội.
4. Biển màu vàng, chữ và số màu đỏ
Xe của khu kinh tế thương mại đặc biệt hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ có ký hiệu địa phương đăng ký và hai chữ cái viết tắt của khu kinh tế – thương mại đặc biệt.
Quy định trong Thông tư số 36/2010/TT-BCA, điều 27, khoản 6.3
Chẳng hạn xe biển số 14LB trong hình dưới đây là của chủ xe đăng ký tại khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (Khu KTTMĐB Lao Bảo, H.Hướng Hóa, Quảng Trị).
Theo như tôi tìm hiểu, những chiếc xe biển số vàng LB này trước đây được lưu hành bình thường trong nội địa của Việt Nam, với điều kiện phải làm thủ tục nhập cảnh tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo vào đầu mỗi tháng.
Nhưng từ 31.3.2013, loại xe biển LB này chỉ được lưu hành trong địa phận của Khu kinh tế Lao Bảo, chứ không được đi vào nội địa.
Không rõ việc lưu hành những xe biển vàng này hiện nay ra sao. Ngoài biển vàng 74LB, còn có của địa phương khác không? Những chi tiết này sẽ được tìm hiểu tiếp sau khi viết bài này. Nếu bạn có thông tin, vui lòng thông báo để tôi cập nhật nhé.
5. Màu trắng với 2 chữ và năm số
Đây là nhóm biển kiểm soát cấp cho các đối tượng có yếu tố nướcngoài.
NG là biển số xe ngoại giao
QT là biển xe của tổ chức quốc tế (được miễn trừ ngoại giao)
NN là biển số xe của các tổ chức, cá nhân nước ngoài
Đăng ký, đổi biển số
Với xe mới, biển số sẽ được cơ quan công an cấp khi bạn đăng ký xe.
Biển số xe đẹp
Khi đi đăng ký, hầu như ai cũng quan tâm tới việc làm thế nào để có được biển số xe đẹp, hoặc chí ít là không xấu.
Vậy, nếu được chọn số, thì theo bạn biển số xe như thế nào thì được gọi là đẹp? Theo sở thích, theo phong thủy, hay theo tiêu chí nào khác?
Đẹp hay xấu là theo quan điểm của mỗi người, và quan điểm này cũng ít nhiều thay đổi theo thời gian. Đó là chưa nói cách luận biển số của người này có thể lại khác với người kia. Thành ra phần nhiều cũng mang tính chủ quan và suy đoán.
Những số như sau thường được coi là đẹp:
– Tổng các chữ số kết thúc bằng số có số dư là 8, 9 hay 10 là đẹp
– Số tứ quý (9999) hay ngũ linh (888-88) được coi là số độc
– Số tiến (2345) cũng là số đỉnh
– Số kiểu lộc phát (68-68) cũng được ưa chuộng.
Vậy căn cứ vào đâu để đánh giá là biển đẹp hay xấu? Xem lý giải trong bài Biển số xe đẹp

Biển số xe các tỉnh (cách đọc)
Đi đường bạn sẽ nhìn thấy nhiều biển xe tỉnh lạ, và có thể thắc mắc không biết xe này từ đâu tới. Kể ra biết thì cũng hay.
Nếu vậy, bạn sẽ thấy thông tin hữu ích trong bài viết Biển số xe các tỉnh thành
Lỗi vi phạm: biển số xe bị cong, mờ
Liên quan đến biển số, tôi cũng muốn nói về yếu tố quy định pháp luật.
Rất có thể trong quá trình sử dụng, biển xe của bạn không còn đảm bảo đáp ứng theo quy định… Lý do có thể là:
– Sử dụng lâu ngày, biển bị cũ, cong, hỏng
– Bị va quệt nên biển bị cong vênh, không rõ số
– Bụi bặm bám vào nên biển bị mờ …
Với lỗi này, bạn có thể bị Cảnh sát giao thông thổi phạt (kể cả là biển có đẹp đến đâu chăng nữa). Theo quy định trong Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, mức phạt như sau:
– Ô tô: 800 nghìn – 1 triệu đồng (Điều 16, khoản 3c)
– Xe máy: 80-100 nghìn đồng (Điều 17, khoản 1b)
Để tránh bị phạt, bạn lưu ý giữ sạch tấm biển xe của mình. Nếu quá cũ, hoặc hư hỏng, thì nên làm thủ tục xin cấp lại biển số cho nó lành. Xem thêm các bài viết khác tại Thành Vô Lăng nhé.