Quy chuẩn 41 về báo hiệu đường bộ rất quan trọng với người tham gia giao thông.
Nội Dung Bài Viết
Tầm quan trọng của Quy chuẩn 41 về báo hiệu đường bộ
Vì văn bản này hướng dẫn chi tiết về ý nghĩa, tác dụng của những biển báo hiệu mà chúng ta gặp hằng ngày trên đường như: biển báo, vạch kẻ đường, đèn giao thông… Mặc dù chúng ta không ai lạ gì với những loại tín hiệu đó, nhưng hiểu rõ nội dung và cách áp dụng đúng trong các trường hợp lại là cả một vấn đề.
Thường thì chúng ta đều nhớ được các biển báo, vạch kẻ đường phổ biến và quan trọng. Nhưng đi vào chi tiết, thì cũng dễ bị “tắc tị” lắm. Ấy là chưa nói đến những loại biển, vạch không hay gặp – chắc chắn hỏi đến là “bí” ngay.
Chẳng hạn, bạn thử trả lời một vài câu hỏi sau nhé:
- Biển báo cấm số 106a – Cấm ô tô tải, nhưng có cấm ô tô chở hàng dưới 1,5 tấn không?
Biển 106a – Cấm ô tô tải
- Biển chỉ dẫn số 411 có tác dụng phân làn không?
Biển 411 – Hướng đi trên mỗi làn đường
- Khi đèn giao thông chuyển sang vàng, xe có được đi tiếp không?
- Vạch kẻ đường loại nào được đè qua, loại nào cấm đè qua?
Bạn trả lời được đủ và đúng hết? Quá tốt!
Nhưng với ai không trả lời được các câu hỏi đó thì biết tìm hiểu hay tra cứu ở đâu? Đó chính là tài liệu tôi đang muốn nói tới: Quy chuẩn 41 về Báo hiệu đường bộ.
Tài liệu này quan trọng nhưng khá dài – 187 trang. Do đó, nên có để tra cứu như từ điển. Tất nhiên bạn càng hiểu sâu, nhớ càng nhiều thì càng có ích khi đi đường.
Để tiện dùng, cá nhân tôi vừa lưu file mềm trong máy tính (link tải về ở phần cuối bài này), vừa mua một cuốn sách giấy về để bàn. Thực sự là tôi thấy rất thuận tiện và hữu ích. Mỗi khi có gì thắc mắc liên quan đến biển báo, vạch kẻ đường, đèn giao thông… thì tôi lại lấy ra ngâm cứu, quả có thấy sáng tỏ ra rất nhiều.
Tất nhiên cũng phải thừa nhận rằng, quy chuẩn này kể cả bản mới năm 2016 cũng không tránh khỏi những bất cập, những điểm chưa rõ ràng, thậm chí gây tranh cãi. Nhưng trên tinh thần học hỏi và tuân thủ quy định, tôi vẫn đánh giá tài liệu này cần thiết cho bất cứ ai tham gia giao thông, nhất là các bác lái xe 4 bánh (vì sai thì bị phạt nặng hơn 2 bánh khá nhiều).
Đọc thêm: Biển báo phụ là gì? Những biển báo phụ quan trọng cần biết
Hiệu lực pháp lý của quy chuẩn 41
Nhiều người thắc mắc Quy chuẩn là tiêu chuẩn ban hành, nhưng có hiệu lực thi hành như thế nào, có phải là luật không, có bắt buộc phải thi hành không…?
Để trả lời thắc mắc đó, cần nói qua một chút về khái niệm Quy chuẩn kỹ thuật là gì, và có bắt buộc thi hành không?
Theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật năm 2006 – Điều 3, khoản 2:
“Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.
Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.”
Như vậy theo Luật này thì Quy chuẩn kỹ thuật có tác dụng bắt buộc áp dụng.
Thực tế, Quy chuẩn 41 cũng được ban hành trong Thông tư của bộ GTVT, vì vậy nó có hiệu lực của một thông tư. Nói cách khác, đó là văn bản dưới luật (Thông tư mà!). Cụ thể:
- Quy chuẩn 41 năm 2012 ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGTVT
- Quy chuẩn 41 năm 2016 ban hành kèm theo Thông tư 06/2016/TT-BGTVT
Vì thế bạn yên tâm về tính pháp lý của Quy chuẩn này nhé. Cứ việc tìm hiểu và áp dụng thôi.
Những điểm mới của phiên bản 2016 so với 2012
Khi tôi viết bài này vào tháng 7/2016 thì vẫn đang áp dụng Quy chuẩn ban hành năm 2012, có tên đầy đủ là “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ – QCVN 41:2012/BGTVT”. Nhưng từ 1/11/2016, tức là hơn 3 tháng sau, thì đã có phiên bản mới của Quy chuẩn 41 năm 2016, số QCVN 41:2016/BGTVT.
Quy chuẩn năm 2016 dài hơn, hình ảnh và số của biển báo vạch kẻ đường cũng có sự thay đổi ít nhiều so với năm 2012. Về mặt nội dung thì có một số điểm mới dễ thấy như sau:
Đã có khái niệm “xe máy”
Mặc dù đây là từ rất phổ biến ở phía Bắc (trong Nam gọi là “xe Honda”), nhưng trước đây trong luật lại dùng từ “mô tô”, mà thiếu đi chỉ dẫn cho “xe máy”. Trong Quy chuẩn mới 2016, đã có hướng dẫn rõ ràng luật áp dùng cho “xe máy” cũng giống như cho “mô tô”. Thực ra 2 khái niệm này là 1.
Thay hình biển 412b cho đỡ nhầm lẫn với biển 403a
Hai biển này trong quy chuẩn 2012 rất dễ nhầm, vì chỉ khác nhau có mũi tên chỉ lên trời, như hình dưới:
![]() |
![]() |
Biển 403a | Biển 412b |
Hai biển này nhìn rất dễ nhầm với nhau
Sang phiên bản 2016, hai biển này đã được đánh số khác, nhưng quan trọng là được thay bằng hình khác dễ phân biệt hơn nhiều.
Xe bán tải (pickup) được coi là xe con khi tham gia giao thông
Xe bán tải theo quy chuẩn này là xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống, và trọng lượng chuyên chở cho phép theo giấy đăng kiểm là dưới 1,5 tấn. Khi tham gia giao thông, xe bán tải được coi như xe con, chẳng hạn như trong việc phân làn, giờ cấm…
Nhưng bạn cũng lưu ý: quy chuẩn 41 liên quan đến báo hiệu đường bộ. Do đó, xe bán tải được xếp loại cùng với xe con chỉ trong lĩnh vực biển báo, vạch kẻ đường… chứ không áp dụng trong lĩnh vực khác như thuế nhập khẩu, niên hạn sử dụng, hay đăng ký biển số.
Xem ngay: Xe Pickup là gì? Đánh giá ưu nhược điểm của dòng xe này
Vượt phải thế nào?
Tài liệu này quy định chi tiết về lỗi vượt phải, giúp chúng ta có thể hình dung để tránh:
Vượt phải là tình huống giao thông trong đó một phương tiện vượt phương tiện khác về phía bên phải của phương tiện bị vượt trên cùng một chiều đường tại các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều.
Ngoài ra, quy chuẩn mới cũng hướng dẫn rõ ràng cách vượt xe khác thể nào cho đúng:
Xe trên các làn chạy nhanh hơn nhau là tình huống giao thông mà các phương tiện trên các làn theo cùng một chiều đường của các đường có nhiều hơn hai làn đường mỗi chiều có thể chạy nhanh hơn nhau miễn là tuân thủ quy định về tốc độ và loại phương tiện sử dụng làn đường. Khi chuyển làn phải tuân thủ theo quy tắc giao thông đường bộ.
Tuy vậy, vẫn chưa hết những tranh luận liên quan đến lỗi vượt phải này, cho dù quy chuẩn 41 phiên bản 2016 đã nêu khá chi tiết. Đây là thớt tranh luận trên diễn đàn Otofun về chủ đề này.
Biển báo nội thị
Đối với đường có các biển báo/hiệu lệnh/cấm (như phân làn, tốc độ, khu vực đông dân cư), nếu qua một ngã ba, ngã tư mà không có biển báo nhắc lại, thì mặc nhiên là biển đó đã hết hiệu lực.
Quy định này cũng gỡ rối cho tài xế rất nhiều. Trên những đoạn đường dài, qua nhiều chỗ giao cắt, nếu không có biển nhắc lại, người lái xe thậm chí quên không biết trước đó có biển báo gì, nên rất dễ vô tình vi phạm luật giao thông đường bộ.
Biển cấm rẽ trái không còn cấm quay đầu
Theo quy chuẩn mới, biển cấm rẽ trái sẽ không còn cấm quay đầu. Nói cách khác, biển cấm rẽ trái và biển cấm quay đầu là 2 loại riêng biệt. Người đi đường và người học thi lấy bằng đỡ phải nhớ hoặc suy luận làm gì.
Và bất cập của Phiên bản 2016
Mặc dù đã được bổ sung và cải tiến nhiều, nhưng cộng đồng vẫn bàn thảo về những bất cập của Quy chuẩn mới năm 2016 này.
Dưới đây Thành Vô Lăng xin tóm tắt một vài điểm chính:
- Ý nghĩa của đèn tín hiệu vàng: “báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn“Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.” Cái khó là làm thế nào để đánh giá được hành vi “tiến sát đến”, và khoảng cách bao xa thì được coi là “sát”. Việc không cụ thể sẽ gây khó khăn cho người đi đường, vì thực tế Thông tư 171 (và mới đây là Thông tư 46) đều có phạt lỗi vượt đèn vàng.