Nội Dung Bài Viết
Bạn đã từng bị xử phạt vi phạm giao thông lần nào chưa? Nhiều khả năng là đã từng bị rồi, có khi còn nhiều lần nữa là khác.
Với người tham gia giao thông, thì cũng dễ hiểu khi chẳng may (với một số ít người là cố ý) phạm luật, để rồi bị CSGT dừng xe kiểm tra và xử phạt (thuật ngữ đầy đủ hơn là “Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”)
Cho dù trong trường hợp nào – cố ý hay vô tình, thì có lẽ cũng chẳng ai muốn bị tuýt còi xử phạt cả.
Cá nhân tôi cũng đã từng bị dừng xe kiểm tra giấy tờ. Nhiều lần trong số đó là phải giải thích, chứng minh, thậm chí tranh luận khá gay gắt. Và cũng không ít lần phải nộp phạt tại chỗ, hoặc phải ra kho bạc. Thú thực, cảm giác những lúc đó chẳng dễ chịu chút nào, cho dù mình có sai thật hay bị oan.
Thôi thì tốt nhất là nghiên cứu kỹ để phòng thân, vì thực chất tôi vẫn rất sợ bị phạt!
Tôi tìm hiểu và tổng hợp thành bài viết này cho dễ nhớ, để bản thân mình tự hạn chế những lần mình mắc lỗi, để đủ tự tin tranh luận nếu bị oan, và để biết vui vẻ nộp phạt nếu mình phạm luật. Những thủ tục, quy trình tôi nêu ở đây đều bám theo quy định của pháp luật, có trích dẫn cụ thể.

Trên thực tế nhiều người chọn cách giải quyết “linh hoạt” – không đúng quy định, nhưng đó không nằm trong chủ ý của bài viết này.
Để bắt đầu về chủ đề xử phạt vi phạm giao thông, bạn thử đọc và tự kiểm tra xem mình có hiểu rõ những khái niệm sau không nhé:
- Lập biên bản vi phạm
- Quyết định xử phạt
- Tạm giữ giấy tờ
- Tước bằng lái xe
- Tạm giữ xe
Hơi đáng tiếc, nhưng tôi dám cá là nhiều người chỉ hiểu lờ mờ về những khái niệm trên, để đến khi bị “hỏi thăm” mới vỡ lẽ mình vẫn còn mù mờ. Nếu bạn nằm trong số đó, thì tôi tin bài viết này sẽ hữu ích cho bạn đấy.
Nhưng xin bạn yên tâm, phần tiếp theo của bài viết sẽ lần lượt giải đáp những khái niệm nêu trên một cách chi tiết. Và đây là những nội dung chính:
- Lực lượng nào được phép dừng xe xử phạt vi phạm giao thông?
- Hiểu cho đúng các lỗi vi phạm giao thông
- Các mức phạt vi phạm giao thông phổ biến
- Lỗi vi phạm nào được nộp phạt tại chỗ, lỗi nào phải ra kho bạc?
- Phân biệt tạm giữ bằng với tước bằng lái xe?
- Trường hợp nào thì bị hình phạt bổ sung: tạm giữ xe?
- Và những trường hợp nào vi phạm không bị xử phạt?
Tôi sẽ đi chi tiết lần lượt từng mục như dưới đây.
1. Lực lượng nào được phép dừng xe xử phạt vi phạm giao thông?
Không phải lực lượng của cơ quan Nhà nước nào cũng có thẩm quyền dừng xe đang tham gia giao thông để kiểm tra xử phạt.
Có thể tóm tắt thẩm quyền dừng xe theo từng nhóm lực lượng như sau:
- Cảnh sát giao thông (CSGT): chỉ được dừng xe khi họ đang làm nhiệm vụ, và trong những trường hợp nhất định, chẳng hạn như: phát hiện thấy vi phạm, hoặc theo kế hoạch được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt.
- Cảnh sát khác như công an phường xã, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động: khi phối hợp với CSGT theo kế hoạch được phân công thì họ cũng có quyền dừng xe xử phạt.
- Thanh tra giao thông: chỉ dừng xe nếu phát hiện vi phạm có nguy cơ gây hư hỏng công trình đường bộ.
- Lực lượng khác: quản lý thị trường, dân phòng, dân quân tự vệ…được phép dừng xe nếu phát hiện vi phạm trong lĩnh vực quản lý của họ, chứ không có quyền dừng xe xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông.
Bây giờ, khi bạn bị lực lượng chức năng đúng thẩm quyền dừng xe theo quy định, và cho biết bạn đã vi phạm luật giao thông thì sao? Thì bạn cần xác định rõ mình thực sự vi phạm lỗi gì, tương ứng mức phạt bao nhiêu, để còn nộp phạt chứ sao nữa.
2. Các lỗi vi phạm giao thông – cần xác định cho đúng
Việc xác định đúng lỗi vi phạm rất quan trọng, vì quyết định trực tiếp đến mức phạt, nơi nộp phạt, và có thể là liệu có áp dụng hình thức bổ sung như tạm giữ xe, hay bằng lái xe.
Việc “xác định đúng” nghe qua thì đơn giản, cứ vi phạm thì sẽ biết mình “dính” lỗi gì và mức tiền phạt bao nhiêu. Điều đó chỉ đúng với những lỗi rõ ràng, và cách diễn đạt lỗi trong ngôn ngữ bình thường cũng giống như trong luật, chẳng hạn như: chạy quá tốc độ, nồng độ cồn vượt quá mức, vượt bên phải xe khác…
Nhưng cũng có những vi phạm dễ bị hiểu nhầm từ lỗi này sang lỗi khác. Lấy ví dụ điển hình: bạn đi thẳng trên làn đường có mũi tên rẽ trái, thì phạm lỗi “không tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường”, nhưng có thể lại bị quy vào lỗi nặng hơn “đi sai làn đường, phần đường”.
Để tránh bị như vậy, tốt nhất mỗi chúng ta cần tìm hiểu quy định để biết đích xác hành vi nào thì phạm luật giao thông, và nếu có thì phạm lỗi gì. Đọc thêm bài viết Các lỗi vi phạm giao thông – cần xác định cho đúng.
Một khi đã xác định được lỗi vi phạm, chúng ta sẽ nghĩ ngay…
Xem thêm: Cách nhớ biển số xe các tỉnh thành phố cả nước
3. Mức phạt vi phạm giao thông bao nhiêu tiền?
Ở đây tôi không bàn tới cách giải quyết theo “phương án 50-50”, hay “trợ giúp của người thân”. Cũng không đi chi tiết việc CSGT lợi dụng người dân không hiểu luật, thông báo lỗi nặng với mức tiền phạt cao, để người vi phạm lo lắng mà xin xỏ, rồi dựa vào đó mà chia chác, trục lợi.
Theo quy định, mức phạt bao giờ cũng đi với từng lỗi cụ thể trong văn bản luật. Vì vậy, khi dừng xe, CSGT sẽ thông báo cho bạn đã vi phạm lỗi gì, chẳng hạn như: vượt đèn đỏ, sai làn, vượt quá tốc độ… Và như trên đã nêu, bạn cũng cần có đủ hiểu biết và giữ bình tĩnh để kiểm tra lại xem mình có vi phạm đúng lỗi đó hay không.
Khi đã biết chính xác lỗi vi phạm rồi, thì căn cứ vào Nghị định 171 (từ 1/8/2016 là nghị định 46/2015/NĐ-CP) sẽ biết khung phạt bao nhiêu tiền.
Nếu bạn để ý sẽ thấy mức phạt sẽ là một khoảng tiền, chẳng hạn lỗi vượt quá tốc độ 5-10km/h, thì mức phạt sẽ là từ 600-800 nghìn đồng. Vậy làm sao biết sẽ bị phạt cụ thể bao nhiều tiền trong khoảng đó?
Lại phải căn cứ theo luật thôi.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 – Điều 23, khoản 4:
“Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.”
Lấy ví dụ:
Với lỗi “Lái xe không thắt dây an toàn khi xe đang chạy” thì khung phạt theo NĐ 171 là 100-200 nghìn đồng. Nếu có tình tiết tăng nặng, chẳng hạn như: tái phạm, lăng mạ người thi hành công vụ, trốn tránh… (Điều 10 khoản 1), thì mức phạt có thể tới 200 nghìn đồng. Nếu có tình tiết giảm nhẹ như tự nguyện khai báo, do bị ép buộc… (Điều 9), thì mức phạt có thể chỉ là 100 nghìn đồng. Còn bình thường, sẽ chỉ lấy mức trung bình là 150 nghìn đồng theo đúng tinh thần của quy định vừa nêu trên. Nếu đồng chí CSGT nào cố ý để mức phạt cao nhất mà không có tình tiết tăng nặng, thì người vi phạm có quyền ghi rõ ý kiến của mình vào biên bản.
Ô-kê, giờ bạn đã biết lỗi vi phạm của mình bị xử phạt cụ thể bao nhiêu tiền. Vậy chuyển sang câu hỏi tiếp theo…
4. Nộp phạt vi phạm giao thông: lỗi nào được nộp tại chỗ, lỗi nào phải ra kho bạc?
Với các lỗi vi phạm giao thông – là một loại vi phạm hành chính, tùy theo mức tiền phạt mà bạn có thể được nộp ngay tại điểm xử phạt, hay phải ra kho bạc.
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 – Điều 56:
“Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.”
Như vậy, khi cá nhân bạn vi phạm những lỗi nhẹ với mức phạt 250 nghìn đồng trở xuống, thì bị xử phạt theo hình thức “không lập biên bản”. Nghĩa là, CSGT sẽ lập luôn Quyết định phạt để người vi phạm có thể nộp phạt ngay tại chỗ, không cần phải đến kho bạc.
Còn với những lỗi vi phạm mà mức phạt trên 250 nghìn đồng, thì người vi phạm phải nộp phạt tại kho bạc, CSGT không thu phạt trực tiếp.
Chi tiết về thủ tục, quy trình và mẫu biên bản, quyết định phạt, tôi có trình bày chi tiết trong bài viết Nộp phạt vi phạm giao thông để bạn tiện tham khảo.
5. Phân biệt tạm giữ bằng với tước bằng lái xe?
Khi bị xử phạt vi phạm giao thông, ngoài chuyện tiền phạt, bạn còn thường nghe thấy từ “tạm giữ giấy tờ” hoặc “tước bằng lái xe”.
Hai thuật ngữ này hay bị dùng nhầm lẫn. Vậy, cần hiểu một cách chính xác như sau:
Tạm giữ bằng lái xe
là hình thức CSGT giữ giấy tờ để “làm tin”, để đảm bảo người vi phạm sẽ nộp phạt tại kho bạc cho lỗi vi phạm của mình, sau đó mới được lấy giấy tờ. Ở đây là tạm giữ chứ không tước quyền. Trong thời hạn bị tạm giữ bằng trên biên bản, bạn vẫn có quyền lái xe bình thường, nếu lại bị CSGT hỏi, thì có thể trình biên bản giữ bằng ra là vẫn coi như có bằng lái. Tất nhiên, biên bản chỉ giúp thay bằng lái đang bị cơ quan CA giữ (để không bị lỗi “không có giấy phép lái xe”), nên nếu bạn vi phạm luật giao thông, thì vẫn bị xử lý bình thường. Ngoài ra, nếu sau thời hạn trên biên bản giữ bằng mà bạn chưa nộp phạt lấy bằng về, lúc đó nếu bị CA thổi phạt, thì lúc đó sẽ bị lỗi không bằng (vì biên bản chỉ thay bằng lái trong thời hạn tạm giữ mà thôi).
Tước bằng lái xe
thuật ngữ đầy đủ là “tước quyền sử dụng giấy phép lái xe”. Đây là hình phạt bổ sung cho một số lỗi vi phạm nặng, chẳng hạn như: ô tô vượt phải, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm (Chi tiết những lỗi bị tước bằng tại đây). Khi đó, ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tước bằng lái trong một khoảng thời gian thường là 30 hoặc 60 ngày, tùy lỗi. Trong thời gian bị tước bằng, coi như bạn không có bằng, do đó bạn không được quyền lái xe. Nếu vẫn cố ý lái xe trong thời gian bị tước bằng, nếu bị CSGT kiểm tra, thì bị phạt lỗi “Không có GPLX”.
Nhân tiện đây, bạn cũng cần phân biệt lỗi “không có GPLX” với “không mang theo GPLX” theo nghị định 171/2013:
- “Không có GPLX” nghĩa là bạn chưa thi lấy bằng, hoặc đã có bằng nhưng bị tước quyền sử dụng. Ngắn gọn là không có bằng mà lái xe thì vi phạm luật, và mức phạt với ô tô là 4 – 6 triệu đồng (Điều 21 khoản 7), xe máy là 800.000 – 1.200.000 đồng (Điều 21 khoản 5)
- “Không mang theo GPLX” nghĩa là có mà quên không mang theo người. Lỗi này nhẹ hơn, mức phạt với xe máy là 80.000 – 100.000 đồng (Điều 21 khoản 2c), với ô tô là 200 – 400 nghìn đồng (Điều 21 khoản 3a).Khi bị CSGT kiểm tra, nếu bạn không xuất trình được Giấy phép lái xe thì sẽ bị lập biên bản lỗi “Không có Giấy phép lái xe”, hình phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện (ghi rõ trong biên bản, chi tiết tôi nêu trong phần dưới). Khi đến giải quyết theo giấy hẹn mà bạn xuất trình được GPLX bị thiếu, thì sẽ chuyển thành lỗi nhẹ nhàng hơn là “Không mang bằng lái xe”. Khi đó bạn nộp phạt, và lấy xe về.
6. Trường hợp nào thì bị hình phạt bổ sung: tạm giữ xe?
Như vừa nói ở trên, khi bạn vi phạm một số lỗi nặng, CSGT sẽ lập biên bản vi phạm, trong đó có hình thức phạt bổ sung “tạm giữ phương tiện”.
Tôi xin nêu ví dụ một số nỗi nặng có thể bị tạm giữ xe, theo điều 75 Nghị định 171: không có bằng lái, giấy tờ xe, trong người có nồng độ còn quá mức cho phép… Xem chi tiết những lỗi nào bị giữ xe tại đây.
Xe máy vi phạm bị tạm giữ (Nguồn: infonet.vn)
Có thể nói, bị giữ xe là mức phạt “đau khổ” nhất với người tham gia giao thông. Nó ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc thường ngày, vì không có phương tiện đi lại. Ngoài tiền nộp phạt, người vi phạm còn phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản… trong thời gian bị giữ xe. Nói chung là mệt mỏi tốn kém. Tốt nhất nên cố gắng tránh những lỗi vi phạm này.
Khi có hình phạt bổ sung, thì cũng sẽ có những trường hợp được giảm nhẹ, hay người vi phạm chỉ bị nhắc nhở mà không phạt tiền.
Vậy…
7. Những trường hợp nào vi phạm giao thông không bị xử phạt?
Luật xử lý vi phạm hành chính – Điều 11 quy định rõ những trường hợp không bị xử phạt hành chính:
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
- Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính…
Trong khi đi đường, bạn sẽ gặp những tình huống có thể rơi vào những trường hợp như trên: chẳng hạn như “Tình thế cấp thiết”, khái niệm trong Điều 2.11 như sau:
“Tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.”
Có thể lấy ví dụ thế này. Bạn đang đi trên đường, bất ngờ có xe trong ngõ phía bên phải lao ra, theo phản xạ tự nhiên, bạn đánh tay lái sáng trái để vòng tránh, vì thế lấn vạch liền giữa đường và đi sang làn ngược chiều. Đây có thể xem là “tình huống cấp thiết”, nên nếu vi phạm cũng có thể viện dẫn theo điều luật nêu trên để giải thích lý do vi phạm, thi nhiều khả năng sẽ không bị CSGT xử phạt.
Nếu vẫn bị lập biên bản, thì bạn ghi rõ lý do vi phạm do tình huống cấp thiết vào biên bản. Khi đến cơ quan xử phạt giải thích hợp lý hợp tình, thì tôi tin họ cũng sẽ không xử phạt bạn làm gì.
Tất nhiên để vận dụng điều luật “miễn trừ” này thì cũng phải mô tả chính xác, khéo léo, giải thích có lý có tình, chứ không chơi kiểu “cùn” cứ phạm lỗi là “tình huống cấp thiết” được. CSGT là những người hiểu luật, nghe giải thích hợp lý thì đa phần cũng chỉ nhắc nhở cho đi thôi.
8. Các quy định liên quan đến xử phạt vi phạm giao thông
Trong những phần trên tôi đã trích dẫn và sử dụng làm căn cứ nhiều quy định liên quan, xin tóm tắt lại dưới đây để nếu bạn quan tâm thì nghiên cứu thêm:
- Luật Giao thông đường bộ 2008;
- Nghị định 171/2013/NĐ-CP, từ 1/8/2016 thay thế bởi Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
- Nghị định 27/2010/NĐ-CP việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ;
- Thông tư 65/2012/TT-BCA về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ; (từ 5/2/2016 thay thế bởi Thông tư 01/2016/TT-BCA)
- Thông tư số 08/2010/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra đường bộ;
Như vậy trong phạm vi bài viết này, tôi đã trình bày chi tiết về quy trình xử phạm vi phạm giao thông, cùng với dẫn chiếu đến các quy định liên quan. Hy vọng bạn đọc tìm thấy thông tin bổ ích cho hành trình hàng ngày của mình.
Nếu được như vậy, hãy Like động viên tác giả là tôi nhé. Cám ơn bạn!